Mây phóng xạ đến VN không gây hại

Đám mây phóng xạ từ Nhật Bản bay xuông Philippines hôm qua, 23-3, và có khả năng bay qua lãnh thổ Việt Nam nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chuyên gia của Bộ Khoa học&Công nghệ Việt Nam nhận định.
Khả năng đến không chắc chắn

Một đám mây phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhận Fukushima Số I đang di chuyển trên bầu trời Thái Bình Dương, đến Philippines, và có thể ảnh hưởng đến Việt Nam, TS Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân, cho hay. Nhận định này được đưa ra trên cơ sở số liệu quan trắc phóng xạ môi trường từ Trung tâm Dữ liệu Quốc tế của Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Toàn diện (CTBTO).


Vùng Đông Nam Á: Đám mây phóng xạ trong các ngày 23-3. Hình trên bản đồ là hình ảnh của đám mây phóng xạ từ chương trình tính toán vận chuyển khí tượng của CTBTO cho ngày 22 và ngày 23-3, để so sánh hướng di chuyển của đám mây phóng xạ đang lan rộng và vẫn tập trung chủ yếu trên biển Thái Bình Dương.

So với ngày 21-3, số lượng các trạm quan trắc phát hiện hạt nhân phóng xạ  trong ngày 22-3 tăng thêm năm trạm, tất cả đều đặt tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cho đến chiều 22-3, vẫn chưa thấy cơ quan chức năng thông báo về việc các trạm tại Đông Nam Á là Malaysia và Philippines có phát hiện thấy hạt nhân phóng xạ hay không. Còn trong hình ảnh mô phỏng về sự di chuyển đám mây phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima thì thấy Vùng Đông Nam Á có khả năng bị ảnh hưởng song không rõ ràng.
TS Trịnh Văn Giáp, Viện trưởng Viện Khoa học&Kỹ thuật Hạt nhân, đơn vị đang quản lý các trạm đo phóng xạ khu vực phía Bắc nước ta, cũng nhận định đám mây phóng xạ khó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nếu bay đến Việt Nam.

“Số liệu các trạm quan trắc của Mỹ và Canada đo được cho thấy hàm lượng các đồng vị phóng xạ nhân tạo có nguồn gốc từ sự cố hạt nhân ở Nhật trong không khí của các trạm này đo được thấp hơn 1000 lần mức cho phép về an toàn bức xạ, TS Trịnh Văn Giáp nói.

Ông cũng hoài nghi khả năng đám mây phóng xạ liệu có đến Việt Nam hay không.

“Nếu có thì khoảng vài ba ngày nữa. Vùng ảnh hưởng có thể từ miền Trung trở vào. Song còn tùy thuộc vào các thông số khí tượng thủy văn trong khu vực”, TS Giáp nói tiếp.

Báo cáo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương lên Bộ Tài nguyên&Môi trường hôm qua cũng nhận định trường gió ở ngoài khơi Biển Đông khó có thể hướng đến Việt Nam trong mấy ngày tới.

Số liệu đo hoạt độ của các đồng vị phóng xạ phát gamma trong không khí tại Việt Nam tính đến chiều qua cho thấy vẫn “chưa phát hiện được các bất thường”Cụ thể, chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên như Berium-7 (Be-7) có nguồn gốc từ tia vũ trụ, Kalium-40 (K-40), Thorium-232 (Th-232) và Uranium-238 (U-238) vốn có nguồn gốc từ bụi đất. Còn các đồng vị phóng xạ nhân tạo Iodine-131 (I-131) và Cesium-137 (Cs-137) phát ra từ Nhật Bản thì vẫn chưa thấy.

Nhiễm xạ qua nước biển, hôm nay có kết quả

Về phóng xạ trong thực phẩm, sữa và nước uống, theo yêu cầu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc (FAO), Nhật Bản đã tiến hành kiểm xạ một số loại thực phẩm. Kết quả có mẫu rau chân vịt lấy từ tỉnh Ibaraki đo được nồng độ phóng xạ I-131 lên tới 55.000 Bq/kg, vượt mức giới hạn cho phép là 2.000 Bq/kg.

Do vậy, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Edano thông báo, Thủ tướng Kan đã chỉ đạo tỉnh trưởng bốn tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma ra lệnh cấm có thời hạn việc lưu thông các loại rau này. Ngoài ra việc lưu thông sữa từ tỉnh Fukushima cũng bị cấm. Ông Edano nhấn mạnh đây chỉ là biện pháp ứng phó khẩn cấp và có thể các loại thực phẩm này không gây tác hại cho người sử dụng.   

Liên quan đến phóng xạ trong đất, từ 18-20/3, Bộ Giáo dục Văn hóa Thể thao Khoa học Công nghệ & Môi trường Nhật Bản (MEXT) đo nhiễm xạ I-131 và Cs-137 trong đất thuộc 47 địa phương (trừ Fukushima).

Kết quả đo cho thấy trong đất của 11 địa phương có nhiễm phóng xạ Iodine-131 (I-131) và Cesium-137 (Cs-137) từ vài chục đến vài trăm Bq/m2. Riêng tỉnh Tochigi có khi đo được 1.300 Bq/m2 đối với chất phóng xạ I-131. Sáng 22-3, Công ty TEPCO phải tiến hành khảo sát nước biển xung quanh nhà máy Fukushima I và đã phát hiện các nhân phóng xạ I-131 và Cs-137 trong một số mẫu.

Lo ngại nguy cơ phát tán phóng xạ qua nước biển, trong hai ngày 22-23/3, Cơ quan Khoa học và Công nghệ Hải dương - Địa cầu Nhật Bản (Japan Agency for Marine-Earth Science and Technology - JAMSTEC) đã tiến hành đo phóng xạ trong môi trường biển khu vực xung quanh nhà máy Fukushima I. Các mẫu nước biển lấy từ tám địa điểm khác nhau sẽ được phân tích tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (JAEA) và kết quả sẽ được công bố hôm nay, ngày 24-3.

Kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ cho công dân Việt Nam trở về từ Nhật Bản
Chiều 21 và 22-3, Cục An toàn Bức xạ & Hạt nhân đã tiến hành đo khả năng nhiễm bẩn phóng xạ Cs-137 và I-131 của ba công dân Việt Nam (một người sống ở Tokyo, một người sống ở Yokohama và một lưu học sinh ở Sendai). Kết quả đo không phát hiện thấy đồng vị phóng xạ I-131 và Cs-137 trong cơ thể của những người được kiểm tra.  

Mức phóng xạ bao nhiêu trở lên được xem là ngưỡng ảnh hưởng nguy hiểm?
Liều nhiễm xạ càng cao thì các giai đoạn càng ngắn và mức độ càng nặng. Liều nhiễm xạ thấp từ 0,7 – 4 Gy bắt đầu có biểu hiện tủy xương bị ức chế. Bệnh nhân có thể bị xuất huyết hoặc nhiễm trùng do giảm bạch cầu. Trong hầu hết các trường hợp, tủy xương sẽ hồi phục. Nhiễm xạ với liều từ 6 – 8 Gy có biểu hiện lâm sàng sẽ phức tạp hơn. Tủy xương có thể không hồi phục và chết. Niêm mạc hệ thống tiêu hóa bị phá hủy gây ra tiêu chảy, xuất huyết, nhiễm trùng, rối loạn nước điện giải.
Nếu nhiễm xạ liều > 10 Gy thường gây tử vong. Ngoài tổn thương tủy xương và hệ thống tiêu hóa, các biểu hiện hệ mạch máu thần kinh như trụy mạch, co giật và tử vong có thể xảy ra, nhất là khi nhiễm xạ liều > 20 Gy”.
TS. BS. Hoàng Kim Ước, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương 
Theo Quốc Dũng/TP


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

CODE LINK 4

Vụ việc tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cần sớm làm rõ

Lo lắng người yêu thay đổi